BaiDinh Pagoda


5/04/2011

Chuyện chưa kể về đại gia xây chùa Bái Đính

0
Nguyễn Văn Trường nổi danh với quần thể hang động Tràng An và chùa Bái Đính. Nhưng anh là một đại gia kín tiếng, giản dị, ăn chay trường từ nhiều năm nay.

1.Tôi hỏi: Anh ăn chay vì sức khỏe hay vì thi công chùa Bái Đính? Anh cười hiền: “Tôi chỉ là một phật tử nhưng cũng ngộ ra nhiều. Tôi ăn chay vì thấy thứ đồ ăn ấy hoàn toàn thay thế được thực phẩm thông thường và hợp với mình”.

Dưới tòa Tam Thế của chùa Bái Đính có hẳn một nhà ăn chay to uỳnh, rộng thoáng, có thể phục vụ cùng lúc hàng trăm người. Đồ ăn bày theo dạng buffet. Cạnh đó bày bán hàng thủ công mỹ nghệ của Ninh Bình: tranh thêu Văn Lâm, tràng hạt đá, vòng đá Ninh Vân…

Nhân viên khách sạn Hoa Lư lắm lúc thấy tôi sốt ruột đợi anh, bảo: “Anh cứ ăn trước, sếp em không dùng những thứ này. Tối nào anh ấy cũng qua đây ăn cơm chay rồi mới về nhà”. Có lúc hơn 21 giờ tài xế mới đỗ xịch chiếc Lexus (hồi trước các đại gia ở Ninh Bình đều đi Prado, sau đó lại đồng loạt chuyển sang Lexus), trả anh xuống sảnh khách sạn. Lúc đó anh mới được ăn tối.

Nhưng 8 giờ sáng hôm sau, Trường đã dậy, lượn một vòng từ khách sạn, cà phê Hoa Lư, sang khu văn phòng. Khu văn phòng vốn là trụ sở của Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn Ninh Bình. Khu nhà sau núi Dục Thúy là trụ sở của Sở Du lịch Ninh Bình.
Khách sạn Hoa Lư trước kia do Sở Du lịch khai thác. Nay, cả ba công trình trên đều đã được tỉnh giao cho doanh nghiệp Xuân Trường. Tất cả đều có đường nét hơn sau khi Xuân Trường nhận về tút tát lại. Khách sạn Hoa Lư to nhất tỉnh trước đây tôi chứng kiến rất hiếm khách Tây chịu qua đêm, nay thì nườm nượp.

Hồ nước quanh núi Dục Thúy cũng được Xuân Trường xây kè, cải tạo, trông thơ mộng hẳn lên. Núi Non Nước (Dục Thúy Sơn) - thắng cảnh đã đi vào thơ Nguyễn Trãi - bỗng trở thành một điểm đến mới cho du khách ngay giữa thành phố.

2. Có quần thể hang động Tràng An và chùa Bái Đính, bản đồ du lịch của Ninh Bình bỗng thay đổi hẳn. Từ chỗ chỉ có Tam Cốc - Bích Động, nhà thờ đá Phát Diệm, rừng quốc gia Cúc Phương, Vân Long - kênh Gà, nay Bái Đính và Tràng An lại đứng đầu bảng về lượt người tham quan dù chưa hoàn thành. Từ chỗ không có khách lưu trú, nay lượng khách nghỉ đêm tại khách sạn tăng lên đáng kể, vì riêng thăm thú Tràng An và Bái Đính đã mất trọn một ngày.

Niềm vui lớn nhất của Trường đại gia là hàng ngàn người dân Gia Viễn quê anh có việc làm, thu nhập ổn định khi quần thể hang động Tràng An và khu du lịch tâm linh chùa Bái Đính đi vào hoạt động. Chèo đò, chạy xe ôm, bán hàng, chụp ảnh. Những thứ việc đó ở Bái Đính và Tràng An thu nhập gấp 10 lần trồng lúa.

Trường ít nói, và không bao giờ chịu để báo chí chụp ảnh, trừ lúc chẳng thể đặng đừng. Phần lớn tôi phải chụp lén, chụp vội, khi anh và các nhà sư đưa Ngọc xá lợi Phật từ Ấn Độ về Việt Nam được Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đón tại sân bay, khi anh đứng lẫn trong các bậc tăng ni làm lễ cầu an tại Bái Đính, hoặc khi anh buộc phải lên sân khấu nhận kỷ lục Việt Nam cho nghi lễ cung nghinh Ngọc xá lợi lớn nhất Việt Nam, ngôi chùa nhiều xá lợi Phật nhất Việt Nam.

Đợt đón Ngọc xá lợi, Trường đích thân sang Ấn Độ. Ở Nội Bài, anh đã sắp xếp thuê ba chiếc xe Limousine, Hummer, Lincoln để chở xá lợi và cao tăng về Ninh Bình. Ai cũng biết, Ngọc xá lợi làm tăng tính thiêng và tăng thanh danh cho ngôi chùa.

Nhưng ít ai biết, bất cứ việc nào có lợi cho di sản và du lịch ở Ninh Bình, Trường đều sẵn sàng làm. Hội thảo về cố đô Hoa Lư, lễ hội, hội nghị xúc tiến, anh âm thầm đứng sau tài trợ.



3. Trường rất quyết liệt trong công việc, kể cả bạn bè anh cũng không thỏa hiệp. Doanh nghiệp bạn xin tham gia thi công một đoạn trong cả con đường mà Xuân Trường trúng thầu. Gần Tết, doanh nghiệp này có nguy cơ không hoàn thành đúng cam kết. Trường gọi điện, nói thẳng: Anh không làm xong được thì ra khỏi chỗ đó ngay. Tết hay lễ cũng thế thôi.

Chuông khổng lồ ở Bái Đính.

Quyết liệt với công việc, với lời hứa. Nhưng chất của Trường là thuần hậu, dường như anh không bao giờ muốn chạm đến cái ngưỡng cuối cùng trong xử thế. Thân ai, cũng không thân quá. Muốn ép ai, cũng không ép người ta đến đường cùng (dù anh đúng).

Có dạo, tôi tìm hiểu về loạt dự án xi măng bao quanh thành phố du lịch. Thành phố Ninh Bình, theo quy hoạch vùng đồng bằng Bắc bộ đã phê duyệt, đến năm 2020 sẽ mang tên Hoa Lư và trở thành một trung tâm du lịch của đồng bằng sông Hồng. Thế mà đua nhau mọc lên nhan nhản nhà máy xi măng gần Tam Cốc, gần làng thêu Văn Lâm, gần hang động Tràng An. Lạ thật.

Trường gật đầu: Tỉnh và một số lãnh đạo cấp cao cũng đang bức xúc việc này. Nhưng em viết kheo khéo thôi nhé. Kẻo động vào người thân của anh Hùng (Đinh Văn Hùng - nguyên Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình, sau đó bị kỷ luật thôi chức). Anh Hùng cũng đang khó xử. Mình đúng, nhưng gây buồn cho người quen biết, mà lại là lãnh đạo cao nhất tỉnh, thì mình cũng khổ tâm.



4. Nhà Trường nằm trên đường Xuân Thành. Nhà kiêm luôn trụ sở doanh nghiệp. Người dân quanh đó cười bảo: “Anh Trường thì chẳng biết có bao nhiêu nhà”. Hai người con của Trường được cho đi học ở Anh quốc từ nhỏ. Trong nhà còn lại anh và vợ cùng cô giúp việc. Mỗi năm Trường sang Anh thăm con dăm ba lần.

Anh Dung - Giám đốc Sở GD&ĐT Ninh Bình bình luận: Ở đâu không biết, chứ ở Ninh Bình tôi thấy hai đại gia Xuân Trường và Xuân Thành đều chú ý chuyện học hành của con cái. Anh Thành (doanh nghiệp xây dựng Xuân Thành) học với tôi, 7 đứa con của anh ấy đều học đến nơi đến chốn, có công việc độc lập không nhờ tiền và tiếng của bố.

Xuân Thành tài trợ xây nhà thờ Thiên chúa giáo ở thành phố Ninh Bình, còn Xuân Trường đảm nhận thi công chùa Bái Đính ở Gia Viễn. Xuân Thành đã vươn ra một số tỉnh thành, còn Xuân Trường vẫn tập trung chủ yếu ở mảng xây dựng trong tỉnh.

Cùng với chùa Bái Đính, hang động Tràng An, Xuân Trường đã trúng thầu và đang thi công nhiều công trình khác. Ninh Bình đã phê duyệt dự án quảng trường Đinh Tiên Hoàng rộng 60ha, và doanh nghiệp trúng thầu không ai khác chính là Xuân Trường.

Có lần tôi bảo: Anh làm nhiều quá nên phân tán máy móc, nhân lực. Đường 10 làm mãi không xong, nắng thì bụi, mưa thì lầy, người dân huyện Yên Khánh và Kim Sơn khổ lắm.

Trường không giận, chỉ trầm ngâm: Bái Đính là công việc lớn nhất trong đời tôi, phải tập trung thôi. Đường 10 đúng là ậm ạch về tốc độ, nhưng chủ yếu do vài ba hộ dân không chịu di dời. Trong năm nay sẽ hoàn thiện nâng cấp mở rộng đường 10.

5. Đêm. Khách ở Bái Đính đã vãn. Gió lộng thổi trên những hồ nước rừng cây Gia Sinh - Gia Viễn. Tôi nhìn lên những tượng Phật uy nghi, những đầu đao cong vút của tòa Tam Thế, Pháp Chủ, Quan Thế Âm Bồ Tát giữa nền trời đen thẫm, hai hàng la hán 500 vị 500 vẻ mặt con người.

Có thể đi qua hai hàng la hán ấy hàng ngàn lần, nhưng không phải ai cũng trải nghiệm được đủ sắc thái của con người trong cuộc đời mênh mông mà hữu hạn. Có lẽ, để có một cái tâm an tĩnh khi đi chùa, chính là lúc này.

Tôi gọi cho Trường. Anh đang nằm viện, điều trị bệnh về đường hô hấp. Nhiều lần anh ốm, nhưng có khách quan trọng đến, anh vùng dậy chạy đi ngay, thậm chí cuối ngày còn tiễn khách về Hà Nội. Chợt nghĩ, với con người hối hả tất bật không có mấy thời gian cho riêng mình ấy, vào bệnh viện lần này có khi lại là quãng nghỉ đúng nghĩa!

(Theo Tiền Phong)
READ MORE >>

4/26/2011

Về Ninh Vân xem nhà đá độc nhất Việt Nam

0
Những người thợ thủ công tài hoa Ninh Vân (Hoa Lư, Ninh Bình) không chỉ nổi danh khắp trong nam, ngoài bắc về chạm khắc đá mà còn sáng tạo nên những ngôi nhà thủ công bằng đá độc đáo.





Nhắc đến Ninh Vân (Hoa Lư, Ninh Bình) người ta đều biết đến nghề cổ truyền chạm khắc đá. Tương truyền nghề đá ở đây đã có từ hơn 400 năm. Những người thợ thủ công tài hoa đã biến những hòn đá sù sì thành những tác phẩm nghệ thuật hoàn hảo.


Nhà thờ đá Phát Diệm hay 500 pho tượng La Hán ở chùa Bái Đính đều ghi dấu ấn tài hoa của người thợ đá Ninh Vân. Đến Ninh Vân bạn như lạc vào giữa những dãy tượng đá đang được chạm trổ, những tượng phật nằm, tượng long, lân, quy, phụng...
Nhưng có lẽ điều khiến bạn phải thốt lên kinh ngạc là những ngôi nhà đá thủ công. Căn nhà đá của ông Lương Văn Thiện được làm từ năm 1934. Đã hơn 80 năm nhưng chiếc cổng đá vẫn sừng sững như một chứng nhân của thời gian.
Nhà đá của những nghệ nhân điêu khắc đá tại Ninh Vân.
Công nhà đá.
Những nụ hoa xương rồng gai đỏ ly ty như làm dáng trên bức tường bằng đá trắng. Mở cánh cửa gỗ vào trong nhà, bạn sẽ ồ lên thích thú khi toàn bộ tường nhà, cột, hoành, các xà dọc đều bằng đá.


 

Xập gụ giữa nhà cũng được tạo tác bằng đá nguyên khối. Những bức chạm cây tùng, cây mai vô cùng tinh tê, sinh động, đường nét tao nhã, uyển chuyển, mềm mại, dường như có phép lạ ở đôi bàn tay và khối óc của các nghệ nhân.
Nổi bật giữa nhà là bức chạm vào vách đá: "Bẩy mươi tuổi còn xuân chán/Tóc bạc già sức khỏe thanh niên/Ăn khỏe ngủ ngon làm việc tốt/Sống như đá vọng thọ như sơn".


Ngoài căn nhà đá của ông Thiện, ở Ninh Vân còn có ngôi nhà đá của nghệ nhân Đỗ Khắc Đức. Ngôi nhà chỉ rộng khoảng gần 40m2 nhưng đã đón nhiều vị lãnh đạo cao cấp như Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Thủ tướng Võ Văn Kiệt... về thăm.
Ông Đỗ Khắc Đức đã phải bỏ ra hơn 4 năm trời để đục, đẽo, mài chạm... Ngôi nhà được đục đẽo hoàn toàn thủ công vào năm 1954. Cho đến nay vẫn hằn rõ những câu thơ trên cột: “Cảnh vật vui chung với nước non/Đến vạn ngàn năm vẫn cứ còn/ Làm cho rạng vẻ nhà tế thế/Đem về truyền tử đến lưu tôn”.
Số lượng đá để làm nên căn nhà đá độc đáo này lên tới hàng chục khối. Chỉ riêng phần cột, căn nhà ba gian độc đáo này có tới 10 cột vuông, 2 cột tròn và 6 xà ngang. Để tách được đá từ núi, người thợ phải dùng con chét (một cục sắt) cái nêm. Riêng một cái cột cũng phải mất vài chục lỗ chét nhưng một ngày, mỗi người thợ cũng chỉ đục được hai đến ba lỗ chét.

Điều lý thú là các tác phẩm bằng đá này được làm từ những năm của thế kỉ trước, khi mà tất cả chỉ trông vào đôi bàn tay khéo léo, chai sần của người thợ đá. Trải qua hơn nửa thế  kỷ với bao khắc nghiệt của thiên nhiên, ngôi nhà vẫn không hề suy chuyển càng cho thấy bàn tay tài hoa của người nghệ nhân xưa.
READ MORE >>

3/24/2011

Yêu cầu dỡ bỏ dãy nhà phát ấn trong khuôn viên đền Trần

0
Trong buổi làm việc với các cơ quan ban ngành tỉnh Nam Định, Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh đã yêu cầu Ban quản lý di tích đền Trần tháo bỏ dãy nhà sắt được dựng lên để sử dụng vào mục đích phát ấn đền Trần.

 
Tại buổi làm việc với cơ quan chức năng tỉnh Nam Định hôm 19/3 vừa qua, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh đã cho biết, việc tổ chức quản lý lễ khai ấn và phát ấn đền Trần năm nay tuy được đánh giá là tốt hơn những năm trước, nhưng vẫn còn tái diễn cảnh chen lấn, tranh giành nhau xin ấn của rất nhiều người dân, du khách thập phương, gây nên hệ lụy không tốt làm ảnh hưởng đến di tích. 

Dãy nhà sắt được dựng lên để phát ấn trong khuôn viên đền Trần sẽ được dẹp bỏ. (Ảnh: Quốc Đô)

Trước mắt, Bộ trưởng đã chính thức yêu cầu các cơ quan chức năng tỉnh Nam Định thực hiện ngay việc tháo bỏ dãy nhà sắt được dựng trong khuôn viên di tích đền Trần sử dụng vào mục đích phát ấn cho người dân, để trả lại khu vực cảnh quan, không gian cho đền Trần.
Bộ trưởng cũng chỉ đạo các thành viên Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch phối hợp với địa phương sớm triển khai phối hợp thực hiện việc không tổ chức phát ấn trong khuôn viên đền Trần vào đêm khai hội ngày 14 tháng Giêng hàng năm.
UBND tỉnh Nam Định cho biết, sau khi tiếp nhận ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng, Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định đã giao Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tiến hành kiểm tra, phối hợp các cơ quan liên quan họp bàn, tìm ra giải pháp tốt nhất trong việc phát ấn đền Trần cho nhân dân; đồng thời cân nhắc việc có hay không nên tiếp tục tổ chức phát ấn như những năm qua.

Cảnh chen lấn, giành nhau mua ấn trong đêm khai ấn đền Trần năm 2011. (Ảnh: Quốc Đô)

Trao đối với PV Dân trí, ông Nguyễn Công Thành - Chánh văn phòng UBND tỉnh Nam Định - cho biết: Về tình hình phát ấn đã được UBND TP Nam Định báo cáo, do số lượng người đổ về quá đông vào ngày khai ấn nên đã gây tình trạng bất cập. Để giải quyết việc này, UBND tỉnh đã có chỉ đạo giao UBND TP Nam Định tổ chức, bố trí lực lượng đảm bảo an toàn cho người dân khắp nơi về dự lễ.
Ông Thành cho biết thêm, tính đến nay vẫn chưa có một quyết định cụ thể nào về việc dừng phát ấn đền Trần, trước mắt tỉnh đang triển khai thực hiện theo chỉ đạo của Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh về việc sớm trả lại cảnh quan và không gian cho di tích đền Trần. Những việc liên quan khác, UBND tỉnh Nam Định cũng đã xúc tiến thực hiện để có được những sửa đổi phù hợp nhất cho mùa lễ khai hội đền Trần năm sau 2012.
Quốc Đô
READ MORE >>

3/20/2011

Đại lễ tưởng niệm 1.000 năm Quốc sư Khuông Việt viên tịch

0
Phật tử,quyên góp,sóng thần,tưởng niệm,truyền thống,đại biểu,cuộc sống,Sóc Sơn,thế hệ,tinh thần,cơ hội,tai,kinh hoàng,dân tộc,cha,quốc an,ủng hộ,to lớn,động đất,gặp gỡ,trụ trì,tổ tiên,Phật,Hà Nội,Nhật Bản,nghi lễ,biết ơn,tưởng nhớ,giữ nước,thảm họa,nhắc nhở,tử nạn,trời biển,Sơn Hà,toàn thể,tôn giáo,ôn lại,ban ngành,Vân Phong,chính quyền,tham dự,quốc tế,nạn nhân,tăng ni,thiên tai,buổi lễ,cầu siêu,nhân dân,thần kinh,đảo,lịch sử,từ bi,dâng hương,nhấn mạnh,phát biểu,ghi chép,đại diện,ý nghĩa,đồng hành,lãnh đạo,đất,góp phần,người dân,công lao


Ngày 19/3, Đại lễ tưởng niệm 1.000 năm Quốc sư Khuông Việt viên tịch (933 - 2011) đã được Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam long trọng tổ chức tại Học viện Phật giáo Việt Nam (Sóc Sơn - Hà Nội).
Tham dự buổi lễ có đại diện nhiều lãnh đạo bộ, ban, ngành Trung ương; thành phố Hà Nội và hàng trăm chư tôn đức giáo phẩm như: Hòa thượng Thích Thanh Tứ - Phó Chủ tịch thường trực HĐTS Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam; Hòa thượng Thích Thiện Nhơn - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký HĐTS Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam;... cùng đông đảo tăng ni, phật tử và nhân dân.

Đông đảo các vị cao tăng, đại diện lãnh đạo bộ, ban, ngành và tăng ni, phật tử tham dự Đại lễ

Cùng với các nghi lễ tôn giáo, tưởng niệm Quốc sư Khuông Việt viên tịch, toàn thể các đại biểu và tăng ni, phật tử có mặt trong buổi lễ đã dành một phút tưởng niệm các nạn nhân tử nạn trong thảm họa thiên tai động đất và sóng thần kinh hoàng tại Nhật Bản vừa qua.
Tại buổi lễ, Hòa thượng Thích Thanh Tứ - Phó Chủ tịch thường trực HĐTS Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam - đã phát biểu thể hiện sâu sắc lòng biết ơn của các thế hệ con dân đất Việt với tổ tiên, cha ông, đặc biệt đối với công lao to lớn của Quốc sư Khuông Việt, đồng thời cũng khẳng định truyền thống hộ quốc an dân của Phật giáo Việt Nam đồng hành với dân tộc.

Nghi lễ dâng hương tưởng nhớ Quốc sư Khuông Việt và tưởng niệm các nạn nhân Nhật Bản sau thảm họa động đất và sóng thần


Theo sử sách ghi chép lại, Quốc sư Khuông Việt (thế danh Ngô Chân Lưu), sinh năm 933 tại làng Cát Lợi, phủ Thường Lạc, nay là xã Phục Linh, huyện Sóc Sơn, Hà Nội. Ngay từ nhỏ, ông đã sớm giác ngộ đạo Phật và xuất gia tu học tại chùa Phật Đà. Năm 20 tuổi, ông cùng trụ trì chùa Phật Đà đến chùa Trấn Quốc ngày nay theo Thiền sư Vân Phong tu tập Phật pháp. Sau khi sư Vân Phong viên tịch (956), ngài trụ trì chùa Khai Quốc và hóa đạo tại đây.
Thay mặt các cấp chính quyền, ông Hà Văn Núi - Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng nhấn mạnh Đại lễ tưởng niệm 1.000 năm Quốc sư Khuông Việt viên tịch có ý nghĩa vô cùng sâu sắc với mỗi người dân Việt Nam, là cơ hội để chúng ta gặp gỡ và ôn lại lịch sử hào hùng của dân tộc cũng như công lao trời biển của tổ tiên trong mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước, đồng thời nhắc nhở các thế hệ con cháu của chúng ta biết hướng về nguồn cội.

Các tăng ni, phật tử tại Đại lễ đã quyên góp được 50 triệu đồng ủng hộ nhân dân Nhật Bản


Sau nghi lễ dâng hương cầu quốc thái dân an, một lễ cầu siêu ngắn dành cho các nạn nhân trong trận động đất và sóng thần tại Nhật Bản đã thể hiện sâu sắc tinh thần từ bi của đạo Phật và tinh thần quốc tế cao đẹp. Ngay trong Đại lễ, các vị đại biểu, các tăng ni, phật tử về dự Đại lễ đã chung tay quyên góp được 50 triệu đồng ủng hộ nhân dân Nhật Bản góp phần ổn định cuộc sống sau thảm họa kinh hoàng vừa qua.
Quốc Đô - Anh Thế
READ MORE >>

3/06/2011

Thăm ngôi chùa giữ hai kỷ lục Phật giáo Việt Nam

0
Chùa Bằng (phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai) là một trong những trung tâm Phật giáo tại thủ đô Hà Nội. Vừa qua, cùng với việc khánh thành tòa bảo tháp Báo Ân, chùa Bằng đã chính thức được công nhận là ngôi chùa đang giữ hai kỷ lục Phật giáo Việt Nam.

Ngôi chùa cổ bảo tồn nhiều dấu tích Phật giáo
Căn cứ theo tấm bia “Tu tạo Linh Tiên tự bi ký” được khắc vào tháng 11 năm Đinh Tỵ niên hiệu Hoằng Định thứ 18 (năm 1617), chùa Bằng được trùng tu do Thiền sư Huệ Nguyên - Nguyễn Văn Tông chủ trì.
Mặc dù trong nhiều thời gian đứt đoạn, chùa không được bảo quản tu tạo do không có sư trụ trì nhưng nhân dân, tín đồ, phật tử địa phương vẫn gìn giữ trông nom chùa khá chu đáo. Do vậy, chùa còn lưu giữ được một số công trình kiến trúc nghệ thuật từ những ngày được trùng tu cách đây hàng mấy thế kỷ như : Toà Tam bảo, nhà Tổ, nhà Mẫu, khu tháp mộ, bia đá, chuông đồng thống đá…
Trong đó, đặc biệt có toà thượng điện là công trình chính của toàn bộ cảnh quan thờ Tam bảo. Trong quá trình trùng tu lại chùa, các nhà khảo cổ học và những chuyên gian Phật học đã kinh ngạc phát hiện cách xây dựng độc đáo của tiền nhân với hệ thống “móng treo” rất đặc biệt, bên trong lòng móng có hàng trăm viên gạch “vồ” của thế kỷ 15, 16.

Chùa được xác lập kỷ lục có nhiều pho tượng đồng nhất.
Chỉ riêng hệ thống gạch móng của tòa thượng điện đã là một tài sản vô giá về mặt lịch sử, gắn liền với sự phát triển của một nghìn năm Thăng Long - Hà Nội mà hiện tại còn rất ít các công trình kiến trúc Phật giáo còn lưu giữ được.
Tấm bia “Linh Tiên tự ký” được khắc ngày 13 tháng 2 năm Giáp Ngọ niên hiệu Thịnh Đức thứ 2 Triều Lê Thần Tông (năm 1654) do pháp sư Tự Ngọc Bảo, người huyện Tiên Du - Bắc Ninh soạn vẫn còn nguyên vẹn chính là một cổ vật Phật giáo khẳng định chính xác nhất vị thế của ngôi chùa về mặt thời gian.
Hơn nữa, chùa Bằng còn nổi tiếng từ xa xưa trong dân gian câu ca lưu truyền “Chuông Bằng, trống Lủ, mõ Đình Công, cồng làng Sét”. Quả Đại hồng chung (chuông chiêu mộ) được đúc tháng sáu niên hiệu Minh Mệnh thứ 18 triều Nguyễn - Đinh Dậu (1837) là bảo vật vô giá được bảo tồn và lưu giữ trong chùa.

Chư tôn đứac tăng ni làm lễ tại gian Chính điện chùa Bằng.
Ngoài ra, chiếc thống đá dùng ngâm gạo làm oản cúng Phật. Trên thân thống được khắc chữ “Tâm” to, dưới viết các bài kệ dạy đệ tử tỏ ngộ tâm tông của Phật tổ do Thiền sư Bất Trược Thủy - Tự Như Liên soạn. Trên thống ghi niên đại tạo tác vào mùa Hạ niện hiệu Bảo Thái thứ 4 triều vua Lê Dụ Tông (Quý Mão - 1723) cùng với hệ thống tháp thờ chư vị tổ sư và giác linh gồm nhiều ngôi tháp cổ: Linh Quang thờ Thiền Sư Tính Tuyên; Từ Quang thờ thiền sư Chiếu Sửu - Trí Điển chính là minh chứng rõ nhất về giá trị của những dấu tích Phật giáo mà chùa Bằng còn lưu giữ được.
Nơi xác lập hai kỷ lục
Nhận thấy đây là một ngôi chùa cổ, có giá trị lịch sử và Phật giáo đặc biệt quan trọng, năm 1996, Thành Hội Phật Giáo đã bổ nhiệm Thượng Toạ Thích Bảo Nghiêm (đương kim trụ trì chùa Lý Triều Quốc Sư - Hà Nội) kiêm trụ trì. Từ đó đến nay chùa đã được tu sửa rất nhiều qua các hạng mục: Bao bọc tường chùa, sửa sang vườn tháp, xây dựng nhà Tăng, tôn trí thêm tượng Tam Thế Phật, Bồ Tát Quán Thế Âm, Bồ Tát Địa Tạng, 2 vị Hộ Pháp, hoành phi câu đối, cửa võng và sơn thếp lại tượng thờ trong chính điện làm thêm vẻ trang nghiêm thanh tịnh.
Với tinh thần Phật giáo kế thừa ý nghĩa của Tháp Báo Thiên thời Lý (Một trong “An Nam Tứ Đại khí”) do Thiền Sư Không Lộ đúc, bao gồm: chuông Quy Điền, tháp Báo Thiên, tượng Quỳnh Lâm (tượng Di Lặc) và vạc Phổ Minh đều đã không còn nữa, bảo tháp Báo Ân đã được xây dựng để nói lên tinh thần tri ân và báo ân của người con Phật đối với những bậc đã kế thừa sự nghiệp của chư Phật và của các thế hệ cha ông.

Đại Bảo tháp ghi nhận kỷ lục phật giáo.
Bên trong Tháp tôn trí 104 tượng Đức Phật Thích Ca Mâu Ni bằng đồng ngồi trên bệ đá, nhằm thể hiện trọn vẹn tinh thần bình đẳng trong giáo pháp của Đức Thế Tôn. Xung quanh tháp tôn trí 4 tượng Thiên Vương (Đông phương: Trì Quốc Thiên Vương; Nam phương: Tăng Trưởng Thiên Vương; Tây phương: Quảng Mục Thiên Vương; Bắc phương: Đa Văn Thiên Vương) bằng đá, cao 3,50m. Đặc biệt, ở tầng 1 của ngôi tháp, toàn bộ đều được ốp bằng đá Thanh Hóa, cao 7m. Trên 8 cửa ở tầng 1 của tháp Báo Ân có treo 8 pho sách (cuốn thư) được đúc bằng đồng, mỗi cuốn nặng 250 kg, có chạm nổi các thi phẩm - thiền kệ của các bậc cao tăng Việt Nam đương đại, mang đến cho Bảo tháp thêm sự mềm mại, Đạo vị hòa quyện với Thi vị, vừa trang nghiêm trầm mặc, vừa lãng mạn bay bổng…
Bên cạnh tháp là hình ảnh 18 pho tượng La Hán ngồi thẳng hàng, rất sinh động và rõ nét. Mỗi tượng đều thể hiện đầy đủ sắc thái, cảm xúc khác nhau về những nỗi đau, sự khổ ải đè nặng lên kiếp sống hàng ngày của chúng sinh đang trầm luân trong luân hồi sinh tử.
Đặc biệt những pho tượng này được kiến trúc theo dáng mẫu của các vị La Hán chùa Tây Phương, ngôi chùa cổ ở Việt Nam - Hà Nội và đó cũng chính là những vị Đại Đệ tử Phật qua các đời, theo sự truyền đăng của Thiền Tông.
Với số tượng đồng tinh xảo rất nghệ thuật sẽ giúp chúng ta thưởng thức trọn vẹn tinh hoa văn hóa của nghệ thuật tạc tượng Việt Nam hiện nay. Nhân dịp kỷ niệm Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, Tháp Báo ân - chùa Bằng đã được thành phố Hà Nội gắn biển công trình tiêu biểu đồng thời được xác lập 2 kỷ lục là tháp Phật giáo có nhiều tượng đồng nhất Việt Nam và kỷ lục tháp Phật giáo cao nhất Việt Nam.
Thế Cường
Theo dantri.com.vn
READ MORE >>

GALLERY

 

Copyright © 2009 by Bai Dinh,Bai Dinh Pagoda,Du lich Bai Dinh,Bai Dinh